Nếu những người dị tính có thể thoải mái bộc lộ tình yêu của mình cho người khác biết thì dường như điều ấy đối với Trung (sinh năm 1989, ở tại Thanh Xuân – Hà Nội) lại quá khó khăn. Nếu em thể hiện tình yêu của mình với người yêu thì chắc chắn em sẽ bị soi mói, chế giễu, miệt thị… Bởi người yêu của Trung không phải một cô gái mà là một cậu con trai.
Tình yêu giấu kín
Ngay từ những năm 17 tuổi, Trung đã nhận biết được tình cảm của mình hướng về giới tính nào. Trung cảm thấy những điều đó là tự nhiên và em không băn khoăn nhiều về xu hướng của mình. Tuy vậy, sớm trưởng thành do sống tự lập từ sớm nên em hiểu được những khó khăn mà em có thể gặp phải khi yêu khác với số đông trong xã hội. Trung cũng hiểu rõ rằng tình yêu của mình sẽ phải giấu kín, không thể bộc lộ một cách công khai. Nếu không, em sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều người.
Nhiều người nghĩ rằng
người đồng tính phải có một tình yêu thật khác thường, thật dị biệt, nhưng thật ra tình yêu của những người như Trung cũng giống như những người khác. Trung kể rất nhiều về những mối tình của mình, trong đó có một người mà em rất yêu. Vì yêu cho nên ghen, vì ghen mà xảy ra cãi vã. Trung kể: “Có nhiều lần bọn em cãi vã, đánh nhau, chỉ vì em ghen quá. Người yêu em thì đẹp trai và cũng có công việc ổn định nên nhiều người thích lắm. Mà người yêu em cũng rất cục tính nên thường xảy ra xô xát với em”.
Những trận cãi vã diễn ra thường xuyên, thậm chí có những lần Trung bị đánh rất đau, nhưng em vẫn rất yêu người đó. Trung cũng tự hỏi mình tại sao lại yêu người ấy đến thế, dù anh ta cục tính, ngang bướng và vũ phu. Trung tự giải thích rằng vì mình quá lụy tình, vì người ấy cứ mỗi lần cãi vã và đánh nhau xong lại xin lỗi, lại ân hận, và Trung đã quá mù quáng trong tình yêu này. Thế nhưng cãi vã nhiều lần rồi lại hòa thuận, lại yêu nhau say đắm. Rồi lại cãi vã và Trung lại tuyệt vọng, lại khóc trước trang nhật ký dài đằng đẵng và những câu hỏi không bao giờ có câu trả lời.
Tình yêu phải giấu kín ấy khiến Trung không thể tâm sự với ai mỗi khi có chuyện xích mích với người yêu, em chỉ biết giữ cho riêng mình hoặc trút hết vào những trang nhật ký. Bạn bè trong giới của Trung cũng có nhưng Trung không thể chia sẻ quá nhiều với họ.
|
Không biết bao giờ đa số xã hội coi người những hình ảnh như thế này là bình thường? (Ảnh minh họa) |
Còn với người khác, việc Trung là người đồng tính cũng phải giấu kín huống chi là chia sẻ về những chuyện chi tiết như yêu nhau, cãi nhau, chia tay… như thế nào. Trung hiểu rằng nếu em nói cho người khác biết những chuyện ấy, sẽ có những người không tiếp xúc với em nữa, có những người ghê sợ em, xa lánh em, hoặc kỳ thị em bằng lời nói, bằng ánh mắt, hành động,…
Gần như bị cô lập bởi sự kỳ thị, Trung không thể chia sẻ những chuyện dường như rất đỗi bình thường của con người: Được yêu và được thể hiện tình yêu ấy. Không thể đáp ứng nhu cầu chia sẻ, Trung bị ức chế nhiều về tâm lý. “Có những đêm cãi vã và đánh nhau, em tức quá lấy xe chạy lang thang trên đường, em thấy buồn và cô đơn lắm. Những lúc ấy em thường không dám nghĩ đến mẹ hay những người trong gia đình, em sợ mọi người nếu biết chuyện sẽ lo lắng. Em cũng chỉ biết tự trách mình thôi, nhiều lúc không hiểu tại sao em lại chấp nhận để anh ấy làm vậy hết lần này đến lần khác” - Trung chậm rãi kể lại.
Bản thân Trung biết những mối tình trong giới này dù kéo dài đến đâu, 10 năm đi nữa rồi cũng sẽ lụi tàn. Dù có sống chung với nhau rồi cũng sẽ kết thúc. Có lẽ bởi xã hội không công nhận tình yêu đó, pháp luật không cho một cơ sở nào như hôn nhân để tình yêu đó có một nơi bám víu. Trung biết điều ấy nên em luôn muốn khi yêu mình có thể vui vẻ nhất, hạnh phúc nhất trong thời gian hiện tại. Nhưng tình yêu nào cũng có những hạnh phúc lẫn khổ đau, đau khổ hơn là Trung khó có thể chia sẻ điều đó với ai.
Và rồi mỗi lần chìm trong nỗi buồn, Trung chỉ biết khóc và chịu đựng một mình…
Sự im lặng tuyệt vọng
Sự cô đơn khi không thể nói ra những chuyện làm mình bức xúc, không thể giải tỏa những nỗi buồn và sự đau khổ của mình là một lý do khiến Trung bị stress liên tục, có những giai đoạn em tưởng chừng như đang bị trầm cảm. Thậm chí nhiều lần Trung đã nghĩ đến việc tự sát.
Sự im lặng của xã hội đôi khi còn đáng sợ hơn lời nói, hơn sự đánh đập. Sự im lặng khiến người đồng tính cảm thấy lẻ loi, cảm thấy đau khổ. Chính sự im lặng của xã hội cũng khiến Trung và rất nhiều người như em bị ức chế tâm lý, thậm chí tự căm ghét chính mình, tự hành xác,… gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của các em.
Bình – một người bạn của Trung còn chia sẻ: “Một người con trai yêu một người con trai khó bộc lộ ngoài đường. Em muốn có người yêu và được bộc lộ ngoài đường như những đôi nam nữ khác”. Đó rõ ràng là một nhu cầu hết sức bình thường của một con người, nếu con người ấy biết yêu. Nhưng nhiều người khi biết mong muốn ấy của Bình thì lại ghê sợ và xa lánh em.
Không được hỗ trợ về tâm lý để có thể vượt qua dễ dàng hơn những trở ngại trong tình yêu, hay khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, các thông tin, kiến thức về tình dục an toàn cũng là một mỗi nguy hiểm cho người đồng tính. Các thông số về tỉ lệ trầm cảm, tỉ lệ tự sát, tỉ lệ lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs),… đang ở mức báo động.
Nếu được hỗ trợ về tâm lý tốt hơn, được tiếp cận với các dịch vụ y tế và dịch vụ tư vấn tâm lý thì những bi kịch trong thế giới thứ ba có lẽ đã ít xảy ra hơn. Hơn hết, xã hội cần được hiểu đúng, đủ về người đồng tính, chỉ khi đã hiểu đúng về họ và giải quyết được vấn đề về sự kỳ thị thì người đồng tính mới có thể sống thoải mái hơn, an toàn hơn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét