Được cấp trên đánh giá cao đồng nghĩa với việc có nhiều lợi thế để tăng lương, thăng chức cùng nhiều ưu đãi khác trong công việc. Nhưng để chiếm thiện cảm của sếp, bạn không chỉ cần làm việc hiệu quả, mà còn phải biết nhà quản lý mong muốn gì ở mình. Sẽ càng khó khăn hơn khi sếp là phái nữ, vì phụ nữ thường đòi hỏi cao và tỉ mỉ hơn nam giới.
Luôn đúng giờ
Người lãnh đạo nào cũng muốn mỗi sáng tới công ty đã thấy nhân viên đang say sưa làm việc. Mỗi đồng lương còn đồng nghĩa với thái độ, trách nhiệm của từng người, thế nên chuyên cần và chăm chỉ là hai tố chất hàng đầu để sếp đánh giá cấp dưới. Một điều quan trọng nữa là đừng bao giờ tới trễ trong các cuộc họp có sự tham dự của sếp vì bất kỳ lý do gì.
(Yên Linh, Giám đốc sáng tạo công ty tổ chức tiệc cưới I Do): Tôi hầu như luôn thiếu thời gian nên mọi thứ đều phải được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Vì vậy, tôi rất ghét cảm giác phải lãng phí thời gian để chờ đợi nhân viên. Hơn nữa, tôn trọng giờ giấc là yêu cầu tối thiểu để thể hiện tác phong làm việc nghiêm túc.
Sẵn sàng hỗ trợ
Khi sếp đang bộn bề trong công việc là lúc bạn thể hiện sự tận tâm và năng lực gánh vác, đỡ đần cho cấp trên. Cách ghi điểm này sẽ giúp bạn chiếm được cảm tình, sự tín nhiệm và cả lòng cảm kích của nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, bạn chỉ nên “ra tay trượng nghĩa” khi nào bản thân có đủ thời gian và khả năng để làm công việc ấy.
(Anh Thư, Trưởng phòng Marketing Công ty Le & Associate): Sếp cũng là người bình thường, vừa quản lý đội ngũ bên dưới và cũng có những người giám sát cấp trên nên tình trạng “quá tải” là việc thường xuyên. Mỗi khi bị áp lực công việc như thế mà có được sự giúp đỡ, san sẻ của nhân viên, tôi cảm thấy ấm lòng và có thêm sức mạnh.
Hiểu cách làm việc của sếp
Khi làm việc, hãy để ý xem cấp trên thích trao đổi qua e-mail hay bàn luận trực tiếp để hành xử phù hợp. Cũng đừng quên rằng dù sếp có tài giỏi thì vẫn có lúc căng thẳng, mệt mỏi… thế nên khi cô ấy chán nản vì công việc không như ý, bạn nên động viên: “Chị đã làm rất tốt rồi”. Ngược lại, khi sếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bạn nhớ khen ngợi nhưng đừng quá đà kẻo bị xem là kẻ nịnh hót đấy.
(Hải Thanh, Trưởng phòng thiết kế ChomChom Boutique): Tôi khá nóng tính và độc lập, vì thế tôi không thể tập trung nếu cô thư ký cứ thường xuyên gõ cửa phòng báo cáo, hỏi han suốt. Tốt nhất, cô ấy nên tập trung các vấn đề rồi trình bày cùng một lúc.
|
Điều khiến cấp trên khó chịu nhất là sự thiếu trách nhiệm của nhân viên (Ảnh minh họa) |
Không đổ lỗi
Điều khiến cấp trên khó chịu nhất là sự thiếu trách nhiệm của nhân viên. Do đó, mỗi khi gặp vấn đề, thay vì tìm cách “thoát tội”, bạn hãy chủ động phân tích và đưa ra hướng giải quyết. Người sếp giỏi chắc chắn sẽ ghi nhận sự thành khẩn này và giúp bạn giải quyết khó khăn.
(Khâm Phục, Trưởng phòng thiết kế Công ty VNTIC): Đừng bao giờ vòng vo ngụy biện cho những sai lầm, mà nên thẳng thắn thú nhận để sớm giải quyết. Ai chẳng có lúc mắc lỗi, quan trọng phải biết cách khắc phục mới là người chuyên nghiệp.
Chủ động trong công việc đừng để cấp trên phải nhắc nhở bạn làm việc đúng tiến độ. Nhiệm vụ của bạn phải luôn chủ động báo cáo tình hình công việc mỗi khi hoàn thành. Hạn chế hỏi sếp những câu mà bạn đã biết trước câu trả lời. Cô ấy có thể nghĩ rằng bạn lười suy nghĩ, kém linh động.
(Phương Uyên – Quản lý Marketing Đại học RMIT): Luôn hoàn thành tốt công việc được giao là điều kiện cần của một nhân viên giỏi. Nhưng để trở thành ứng cử viên sáng giá để tôi đề bạt thăng tiến, bạn cần thể hiện năng lực thông qua các ý tưởng mới giúp công việc được hoàn thành hiệu quả hơn cũng như đề xuất giải pháp cho những tình huống khó khăn. Qua đó, bạn chứng minh với sếp mình rằng đã sẵn sàng đảm nhận trọng trách ở một vị trí cao hơn.
Không làm việc bằng cảm xúc
Không nên để cảm xúc cá nhân xen vào công việc cũng như đừng gửi e-mail cho sếp và đồng nghiệp trong lúc tâm trạng đang nóng giận hoặc thất vọng. Nên chịu khó với cộng sự, hãy viết e-mail nhưng đừng gửi, mà hãy đọc đi đọc lại đến khi bình tĩnh và bắt đầu sửa dần nội dung để mang tính xây dựng hơn. Cuối thư, nhớ hỏi ý kiến của sếp về giải pháp, sếp sẽ đánh giá cao khả năng ngoại giao của bạn.
(Đoàn Thùy Trang, CEO Công ty Chloris Doan): Tôi đặc biệt có cảm tình và đánh giá cao những cộng sự biết tiết chế cảm xúc trong công việc. Vì thế, tôi đòi hỏi nhân viên phải kìm nén cảm xúc cá nhân, không vì nóng nảy mà có những hành động không đúng mực ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung.
Đừng vòng vo lẩn tránh sự thật
Bạn gặp chuyện đột xuất nên không thể đến công ty. Thay vì nhắn tin ngụy biện rằng mình đang ốm, hãy gọi điện trực tiếp để trình bày thẳng thắn với sếp. Cách này vừa thể hiện bạn là một người thành thật, vừa không làm cấp trên khó chịu vì chắc chắn họ sẽ biết bạn chỉ viện cớ đau bệnh để trốn việc.
(Nhật Thanh, Giám đốc Marketing khu vực Ninh Vân Bay Holiday Club): Ai cũng có những đột xuất của cá nhân và gia đình, tuy nhiên, nếu bạn lợi dụng việc này, tôi sẽ có cơ sở đánh giá bạn có trách nhiệm và tâm huyết thế nào đối với công việc.
Có những phút thư giãn ngoài công việc
Thử tìm điểm chung của bạn và sếp để có những cuộc điện thoại, gặp gỡ ngoài công việc. Điều này sẽ làm cho cả hai cảm thấy gần gũi và cởi mở với nhau hơn.
(Thu Hằng, chủ tiệm áo cưới Quang Minh): Sau mỗi buổi chụp ảnh, tôi thường rủ nhân viên đi ăn uống. Vui nhất là mỗi nhân viên chủ động hỏi thăm tôi đại loại như: “Sao mấy hôm nay da chị khô quá, lát nữa sau giờ làm, chị em mình đi spa nhé!”. Sự thân tình giữa sếp và nhân viên khiến tôi cảm thấy yêu công việc hơn.
Để trở thành nhân viên lý tưởng
Tôn trọng đồng nghiệp: Mỗi người có điểm mạnh, yếu khác nhau, đừng vội đánh giá thấp đồng nghiệp chỉ vì bạn không thích thái độ hoặc cách làm việc của họ. Hãy là một cộng sự biết hợp tác và tôn trọng năng lực riêng của từng cá nhân.
Không ngừng học hỏi: Công việc luôn thay đổi, mới mẻ hơn mỗi ngày, do đó, nhà tuyển dụng cũng trông đợi nhân viên sẵn lòng học hỏi, cầu tiến và phấn đấu trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức để bắt kịp nhịp sống hiện đại.
Kỹ năng giao tiếp: Hãy cho sếp thấy bạn luôn tự tin trong giao tiếp để làm chủ những cuộc đối thoại với khác hàng nhưng vẫn biết lắng nghe, thấu hiểu và tiếp thu ý kiến đóng góp.
Giải quyết công việc sáng tạo: Đừng chỉ trích sai lầm của người khác, mà hãy cùng suy nghĩ để khắc phục vấn đề khỏi lối mòn. Phê phán rất dễ nhưng đóng góp xây dựng mới khó.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét