Cháu là một cô gái thôn quê bình dị, chất phác và rất biết thương người. Càng lớn, cháu càng cảm nhận rõ bản chất tốt đẹp đó của cháu vì mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn, thương tâm, cháu đều thấy xót xa, cảm động và sẵn sàng giúp đỡ họ nếu có điều kiện.
Nhưng Bạn trẻ cuộc sống ạ! Ngày nhỏ, cháu đã mắc phải một tật rất xấu, đó là ăn cắp vặt. Ngày đó cháu chưa biết suy nghĩ gì nên thi thoảng, cháu có lấy của ông bà 1-2 nghìn đồng để mua những thứ mình thích. Dù số tiền đó bây giờ không còn giá trị lắm nhưng ngày nhỏ, đó là một số tiền khá lớn đối với một đứa trẻ con 4-5 tuổi.
Khi lớn hơn một chút, tầm khoảng 8-9 tuổi, cháu hiểu ông bà đã vất vả như thế nào để kiếm được những đồng tiền đó nên cháu đã không bao giờ lấy cắp tiền của ông bà nữa (Vì bố mẹ cháu đi làm xa cả năm trời mới về một lần nên cháu ở với ông bà từ nhỏ).
Năm khoảng 14 tuổi, cháu biết nhận thức về giá trị của đồng tiền cũng là lúc cháu thấy cần tiền để chi tiêu nhiều thứ cho cuộc sống của mình. Vì thế nên thi thoảng, cháu lại lấy trộm tiền của chú thím và thường là vài nghìn đồng, cũng có lúc nhiều đến 20 - 30 nghìn đồng.
Hồi ấy, cháu nghĩ gia đình chú có điều kiện nên dù cháu có lấy từng đó tiền thì cũng không ảnh hưởng gì đến kinh tế của gia đình chú (cháu luôn suy nghĩ là chỉ lấy trộm của ai giàu có và trong khoảng thời gian đó, cháu chỉ lấy duy nhất của một mình nhà chú thôi). Thế nhưng, sau khi cầm được những đồng tiền mình lấy trộm được, cháu lại thấy ăn năn, hối lỗi về những việc làm của mình. Cháu đã tự nhủ rằng: "Mình làm thế là sai rồi. Sau này làm ra tiền, mình sẽ phải tìm cách trả lại chú số tiền mà mình đã lấy cắp”.
|
Mỗi ngày trôi qua, cháu đều dằn vặt về những việc tồi tệ mình đã làm (Ảnh minh họa) |
18 tuổi, cháu vào đại học. Cháu đã không còn thói quen ăn trộm vặt như thế nữa và cháu nghĩ, có lẽ mình đã “cai” được thói xấu đó. Nhưng không phải thế, đến khi học năm thứ 3, cháu đã quen một người bạn rất giàu có, tiền lúc nào cũng rủng rỉnh trong túi thì tật xấu của cháu lại bộc lộ.
Cháu đã ba lần lấy trộm tiền của bạn ấy khi bạn ấy đến nhà cháu chơi. Lần đầu cháu lấy 200 nghìn, lần thứ hai là 500 nghìn và lần thứ ba là 1 triệu. Sau những lần bị “mất cắp”, cháu cảm nhận bạn ấy đã biết rõ về hành động “xấu xa” của cháu nhưng bạn ấy không nói ra mà chỉ biểu hiện qua bề ngoài là không còn quý cháu như trước. Cháu hiểu và tự nhủ rằng: “Đấy là quả báo cho mình. Khi có được vật chất thì mình sẽ mất đi một tình bạn đẹp”.
Gần đây nhất là người yêu của cô bạn đó, cậu ấy là em họ cháu – và cũng là nạn nhân bị trộm tiền tiếp theo của cháu. Cháu lấy tiền của cậu ấy không phải vì cần tiền mà vì cháu không thích cậu ta. Nhưng ngay khi cầm được tiền trong tay, cháu lại hối hận vì việc mình đã làm…
Trước khi đứa em phát hiện ra mất tiền, cháu đã định trả lại vào túi nó… nhưng rồi lòng tham của cháu lại khuyến khích cháu nên giữa lấy. Và cuối cùng, cơ hội để cháu quay đầu lại thì đã bị chính cháu đã bỏ lỡ, để rồi giờ đây, mỗi giờ mỗi phút trôi qua, cháu đều tự nguyền rủa, dằn vặt bản thân mình là một đứa con gái tồi tệ, xấu tính
Bạn trẻ cuộc sống ạ! Cháu không hiểu nổi hành động của mình có còn tình người không nữa? Cháu lấy tiền của bạn vì nghĩ: “Nó giàu, mất ít tiền chắc cũng chẳng sao”… nhưng đến khi cô ấy không còn quý mến cháu như trước nữa thì cháu mới cảm thấy day dứt. Nhưng lần này lấy tiền của đứa em, cháu đã hối hận ngay từ giây phút đầu tiên cầm tiền… Có lẽ vì nó là người thân của cháu nên cháu mới cảm thấy ân hận như vậy!
Bây giờ, cháu rất muốn trả lại số tiền đó cho cậu em và cô bạn của mình… nhưng thực sự, cháu không đủ can đảm để đối diện với sự thật đó. Có đôi lúc cháu lại nghĩ, hay nên đem số tiền ấy quyên góp vào một quỹ từ thiện nào cũng được. Nhưng rồi cháu lại thấy ăn năn vì tiền đi ăn cắp mà mang từ thiện thì sẽ chẳng còn ý nghĩa gì?
Cháu rất muốn làm một điều gì đó tốt hơn để không còn phải dằn vặt bản thân mình như thế này nữa.
Cháu rất mong nhận được những lời khuyên chân thành từ quý độc giả chuyên mục Bạn trẻ cuộc sống để tìm ra hướng giải quyết đúng đắn!
Cháu xin chân thành cảm ơn!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét